ĐỨC BẢN TÔN PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ
Đức Phật Vô Lượng Thọ trí tuệ thù thắng, một mặt, hai tay trong tư thế kết ấn thiền định. Trên lòng hai tay có bảo bình tràn đầy cam lồ bất tử. Thân Ngài sắc đỏ nêu biểu Đại hỷ lạc. Ngài có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, trang hoàng bằng thiên y, tua lụa, bảo báu rực rỡ trong hình tướng Báo thân Phật.
Trì tụng chân ngôn Phật Vô Lượng Thọ công đức lợi ích không thể nghĩ bàn, lớn hơn cả việc tạo tượng bằng bảo báu, tránh được nạn chết bất đắc kỳ tử, điềm bất tường, yểm đảo, bệnh tật, ma thuật và tổn hại, tịnh hóa tất cả môi trường và phương hướng xung quanh, đón nhận vô số điều cát tường, tăng trưởng trí tuệ và sự trường thọ, hoàn thiện mục đích của đời sống siêu việt.
GIẢI THÍCH Ý NGHĨA THỰC HÀNH NGHI QUỸ TU TRÌ PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ
Nghi thức thỉnh cầu Đức Phật trụ thế hay còn gọi là thỉnh cầu bậc Thầy trường thọ khởi nguồn từ thời Đức Phật Thích Ca. Năm đức Phật 80 tuổi, Ma vương hiện xuống thỉnh Phật nhập Niết bàn. Đức Phật im lặng chưa nhận lời. Đối với Ngài chuyện đi, ở hoàn toàn phụ thuộc vào phúc đức của chúng sinh. Một bậc Giác ngộ có thể tuỳ ý kéo dài tuổi thọ vô số kiếp nếu Ngài thấy vẫn còn những chúng sinh có duyên cần độ, hoặc có thể tự tại thị tịch nếu cảm thấy đã mãn duyên. Mỗi lần Ma vương cung thỉnh Đức Phật đều nói với A Nan (thị giả cận kề của Ngài), thế nhưng do nghiệp chướng của chúng sinh và lực của Ma vương cố tình che lấp nên A Nan đã không nghe thấy gì, vì thế không cung thỉnh Đức Phật trụ thế để cứu độ chúng sinh. Sau ba lần Ma vương cung thỉnh Đức Phật đã nhận lời nhập Niết bàn. Khi nghe được tin này tất cả đệ tử của Ngài vô cùng đau khổ, nhiều vị A la hán đã vội nhập Niết bàn vì không thể chứng kiến cảnh bậc Thầy của mình thị tịch. Trong số đại đệ tử có người khóc lóc đến trước Phật đỉnh lễ cầu thỉnh Ngài đừng nhập Niết bàn. Đức Phật xót thương hứa khả trụ lại thế gian ba tháng nữa. Nghi thức thỉnh cầu các bậc Thầy trụ thế dài lâu bắt đầu từ đó.
Đây cũng là một pháp tu quan trọng trong mười hạnh Phổ Hiền. Như vậy thỉnh cầu các bậc Thầy trụ thế là pháp tu thiết yếu mà tất cả chư Bồ tát đều thực hành. Ngay cả Bồ Tát Phổ Hiền là một vị Pháp thân Bồ tát tiêu biểu cho trí tuệ hậu đắc cũng vẫn tinh tiến tu tập công hạnh này. Như vậy, đối với những người sơ cơ như chúng ta thì pháp này lại vô cùng quan trọng và cần thiết. Đặc biệt đối với các hành giả thực hành Mật thừa – Kim Cương thừa, thì vai trò của bậc Thượng sư lại càng quan trọng hơn, vì không có Căn bản Thượng Sư thì không có Kim Cương thừa. Bởi vậy, việc thỉnh cầu một vị Thầy giác ngộ trụ thế là một công hạnh tối cần thiết và không thể nghĩ bàn. Đức Phật từng dậy rằng, trong tất cả những lời nguyện cầu, lời thỉnh cầu bậc Thầy trường thọ là thù thắng nhất. Bởi vì trong thời đại này sự hiện diện của một bậc Thầy giác ngộ là chỗ tựa nương đáng tin cậy duy nhất cho vô số khổ não chúng sinh. Chỉ nhờ sự hướng đạo của các Ngài chúng ta mới có thể tinh tấn tu tập thực hành mà không sợ lạc đường tà gây tạo thêm bao ác nghiệp, cũng như nương vào tâm từ bi và trí tuệ của Ngài mà chúng ta có thể vững bước tìm về cội nguồn chân hạnh phúc, giác ngộ.
Reviews
There are no reviews yet.