Đức Phật A Di Đà (Phạn văn: अमिताभ, Amitābha), dịch ý là Vô Lượng Quang (Vô Lượng Ánh Sáng), Vô Lượng Thọ. Mật Tông xem Ngài là giáo chủ của Liên Hoa Bộ ở phương Tây trong các vị Phật của Năm Phương (Ngũ Phương), chủ về Diệu Quan Sát Trí. Thân của Phật A Di Đà có màu đỏ. Ngài kết Di Đà Định Ấn, và ngồi ở phương Tây trên một bảo tòa được làm bằng hoa sen đỏ gắn trên đầu tám con công lớn (bát đại khổng tước). Ngài có thể chuyển hóa thức thứ sáu thành Diệu Quan Sát Trí và loại bỏ nghi độc – độc tố của sự hoài nghi và là một trong ngũ độc. Phật A Di Đà cũng được biết đến với danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, Cam Lồ Vương Phật hay Vô Lượng Quang Phật. Trong Chú Lăng Nghiêm, đó chính là Liên Hoa Bộ và là thần chú của chư Bồ Tát, và sử dụng Nhiếp Thọ Pháp. Đây là phương pháp phù hợp nhất cho các chúng sanh trong cả ba hạng căn tánh (tam căn phổ bị).
ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ TRONG PHẬT GIÁO KIM CƯƠNG THỪA
Đức Phật A Di Đà cũng được biết đến ở Tây Tạng, Mông Cổ, và nhiều khu vực khác. Trong Phật giáo Kim Cương thừa, Đức Phật A Di Đà được coi là một trong Ngũ Trí Như Lai (cùng với Tỳ Lô Giá Na Như Lai, A Súc Bệ Như Lai, Bảo Sanh Như Lai, và Bất Không Thành Tựu Như Lai), Phật A Di Đà có liên quan đến hướng Tây.
Vương quốc của Phật A Di Đà được gọi là cõi Tây Phương Cực Lạc. Ngài có hai môn đệ chính, là Bồ Tát Kim Cương Thủ hay Đại Thế Chí Bồ Tát và Bố Tát Quán Thế Âm.
Trong trường phái Chân Ngôn Tông ở Nhật Bản, Phật A Di Đà là một trong 13 vị thần Phật giáo được đệ tử tỏ lòng tôn kính. Phật giáo Shingon giống như Phật giáo Tây Tạng, cũng sử dụng thần chú nguyện đặc biệt cho A Di Đà, mặc dù các thần chú sử dụng khác nhau.
Phật A Di Đà cũng là một trong những vị Phật đặc trưng của Mandala Realm được sử dụng trong thực hành Shingon, ngồi ở phía Tây, nơi mà cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà được cho là tồn tại.
HÌNH TƯỚNG ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
Phật A Di Đà trên đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, khoác trên người áo cà sa màu đỏ (tượng trưng cho màu mặt trời lặn phương Tây), áo có thể khoát vuông ở cổ, trước ngực có chữ “vạn”.
A Di Đà có thể trong tư thế đứng, tay làm ấn giáo hóa – tức là tay mặt đưa ngang vai, chỉ lên, tay trái đưa ngang bụng, chỉ xuống, hai lòng bàn tay hướng về phía trước; trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau làm thành vòng tròn.
Phật A Di Đà cũng có thể ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền (tay để ngang bụng, lưng bàn tay phải nằm chồng lên lòng bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhau). Trên tay Phật có thể giữ một cái bát, là dấu hiệu cho giáo chủ.
Một dạng khác của ấn thiền ở tượng Phật A Di Đà là các ngón tay giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út của hai bàn tay nằm lên nhau, ngón cái và ngón trỏ mỗi tay tạo thành hai vòng tròn chạm nhau. Vì thế, ấn này còn gọi là Ấn thiền A Di Đà.
Trong Phật giáo Tây Tạng, Phật A Di Đà có màu đỏ (màu đỏ là màu của tình yêu, lòng từ bi, và năng lượng cảm xúc). Ngài được gọi là “Phật ánh sáng”, nên màu đỏ còn được hình dung như là màu của mặt trời. Vì lý do này, nên Ngài được coi là một trong những hình tượng nổi bật nhất của tất cả chư Phật.
THẦN CHÚ ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
Đức Phật A Di Đà là trung tâm của một số thần chú trong Phật giáo Kim Cương Thừa.
Ở Ấn Độ, thần chú của Phật A Di Đà là “Om Amitābha Hrīḥ”, được phát âm trong phiên bản tiếng Tây Tạng là “Om Ami Dewa Hri”.
Trong trường phái Phật giáo Shingon Nhật Bản là “On Amirita Teizei Kara Un” hoặc “Om Amrta Teje Hara Hum”.
Reviews
There are no reviews yet.