Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, các Tỳ-kheo sử dụng phất trần với hình thức của bạch phất và mang ý nghĩa như một pháp khí. Chư vị Bồ-tát (Quan Âm, Phổ Hiền) thường có tạo hình tay cầm bạch phất, biểu trưng cho việc tẩy trừ phiền não và xua tan các chướng nạn. Các thiền sư Trung Quốc về sau rất chuộng dùng bạch phất làm vật trang nghiêm. Khi thượng đường thuyết pháp, xử lý công việc trong chùa viện, trong nghi thức tang lễ…, các thiền sư, phương trượng, trụ trì hay chức sự thường cầm phất trần.
Như vậy, phất trần là vật dụng của chư Tăng ở Ấn Độ, với chức năng như một vật tùy thân cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho đời sống du hành. Khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, phất trần trở thành pháp khí, mang ý nghĩa biểu trưng cho sự tu tập đoạn trừ phiền não, xua tan chướng nạn, đồng thời là vật trang nghiêm của các bậc cao tăng.
Các đạo sĩ Đạo giáo tại Trung Quốc từ xa xưa cũng sử dụng phất trần với mục đích phủi bụi và xua đuổi côn trùng đồng thời cũng biểu trưng cho ý nghĩa phủi sạch hồng trần để thân tâm an tịnh và thanh khiết. Về sau các tiên nhân, đạo sĩ, pháp sư, thuật sĩ đều sử dụng phất trần làm bảo vật để tự trang nghiêm. Người ta tin rằng, nhờ vào năng lực tu luyện, gia trì mà phất trần có anh linh, huyền công mầu nhiệm có thể khử độc, trừ tà, xua tan chướng nạn, tịnh hóa thân tâm… và trở thành pháp khí, pháp bảo của Đạo gia. Các vị tiên nhơn như Thái Thượng Lão Quân, Lã Động Tân… đều sử dụng pháp khí phất trần trong tu luyện cũng như trừ yêu, diệt bạo.
Reviews
There are no reviews yet.