Sái tịnh là một nghi thức của Phật giáo, nhằm mục đích làm cho một nơi nào đó được thanh tịnh, giúp cho chúng sinh và oan hồn nơi đó được thanh tịnh, hộ trì Phật pháp.
Phật pháp có lợi ích rộng lớn, trên đến thiên đường, dưới đến địa ngục. Chúng ta “sái tịnh” bằng chú Đại Bi , nước Đại bi có thể độ thoát cho oan hồn, khiến cho họ được có nơi an thân lập mệnh, và nơi sái tịnh biến thành đạo tràng Phật pháp thanh tịnh.
Đạo tràng thanh tịnh mới có thể tu đạo, không thanh tịnh thì làm sao tu. Nơi nào có đạo tràng Phật pháp thanh tịnh thì nơi đó thân tâm con người thanh tịnh, không còn phiền não.
Sái tịnh, cũng gọi là sái thủy, có nghĩa là rưới nước thơm để cho mọi vật được trong sạch. Trong Phật giáo, trước khi tu các bí pháp cần phải sái tịnh đạo tràng và những cúng phẩm. Nước thơm sau khi đã được gia trì ấn chú, đem rảy quanh đạo tràng và trên các vật phẩm dâng cúng khiến cho tất cả đều được thanh tịnh.
Ngày nay, sái tịnh là nghi thức phổ biến trước khi cử hành pháp hội, bái sám, an vị… Nghi thức này cũng được sử dụng trong các dịp xuống tóc, thiết lập bàn thờ, đàn tràng, cúng nhà mới, cúng đất đai, khai trương cửa hàng, văn phòng, v.v… Ý nghĩa của sái tịnh là nương vào tâm đại bi của Bồ Tát để làm lưu xuất nước tịnh cam-lồ mà rảy lên và làm cho thanh tịnh, tươi mát, sống dậy và trị liệu tất cả những gì được nước cam-lồ rưới xuống.
Theo Đại Nhật kinh sớ (quyển 4), việc dùng nước thơm rảy khắp đạo tràng để trừ sạch dơ uế là biểu tượng cho Như Lai dùng hương giới đức hòa hợp với nước từ bi thanh tịnh, rảy vào tâm địa chúng sanh trong pháp giới khiến cho tất cả hý luận, phiền não được trừ sạch. Một bát nước trong và một nhành liễu cần được chuẩn bị trước khi hành lễ. Vị chủ lễ tay phải cầm nhành liễu, tay trái bưng chén nước cam-lồ, sau khi trì niệm thần chú xong liền rảy nước thơm khắp đạo tràng. Nước trong tượng trưng cho định lực, nhành liễu linh động tượng trưng cho trí tuệ.
Reviews
There are no reviews yet.